Các nhóm kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi

21 Th2
0 comment

1. Kỹ năng tự ăn

Luyện tập kỹ năng tự ăn cho trẻ ở giai đoạn mầm non sẽ xây dựng bản tính tự lập cho bé. Đây là một trong các kỹ năng sống cho trẻ mầm non từ 2 đến 5 tuổi cần thiết, được các chuyên gia khuyến cáo cho các gia đình trong việc nuôi dạy trẻ. Khi trẻ đã có thể tự ăn, bố mẹ có thể yên tâm khi đi công tác hoặc có việc đột xuất không thể chăm lo cho trẻ.

2. Kỹ năng nhận biết nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân và xử trí khi bị người lạ tiếp cận

Trong xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều mối nguy cơ có thể đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh nên dạy cho bé kỹ năng phòng tránh nguy hiểm. Để bắt đầu, phụ huynh cần dạy cho trẻ các việc như không nên nhận đồ từ người lạ, tránh xa các nơi có đồ vật hoặc con vật có thể gây nguy hiểm.

Đặc biệt là dạy con cách xử trí khi bị người lạ tiếp cận là một khía cạnh quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ. Bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều là người mà các con có thể tin tưởng. Có thể đưa ra một ví dụ cụ thể như nếu có người lạ đến gần con và hỏi ‘Con muốn kẹo không?’, con nhớ phải từ chối lịch sự và nhanh chóng tìm đến người lớn, như thầy cô giáo hoặc phụ huynh, để thông báo về tình huống đó. Ngoài ra, việc hướng dẫn trẻ biết giữ khoảng cách an toàn, không nên nói chuyện với người lạ, biết cách tìm người lớn khi gặp tình huống khó khăn, không nên đi cùng với bất kỳ ai dù họ có hứa hẹn cho quà hoặc nói là người quen của gia đình là điều cần thiết mà bố mẹ nên chú ý trong cách giáo dục con lớn khôn.

3. Kỹ năng biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người

Để giúp con trở nên nhân hậu, giàu lòng nhân ái, các bậc phụ huynh nên dạy cho bé các kỹ năng về việc biết sẻ chia và giúp đỡ những người xung quanh. Kỹ năng sống cho trẻ mầm non này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại thật sự đóng một vai trò quan trọng ở xã hội hiện nay. Để giúp bé có được kỹ năng này, phụ huynh nên bắt đầu từ việc tạo cơ hội cho bé phụ giúp người lớn làm các công việc vừa sức như rửa chén, lau quét nhà cửa, bày chén dĩa ra bàn ăn, và thu dọn đồ chơi.

4. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

Trẻ ở lứa tuổi mầm non thì hầu hết sẽ được các bậc cha mẹ chăm sóc cho bản thân về mọi mặt. Tuy nhiên, phụ huynh nên dành thời gian để dạy trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Để trẻ hiểu rõ bản chất của kỹ năng này, bố mẹ có thể chỉ bảo cho con các công việc đơn giản như đánh răng, thay quần áo, phụ cha mẹ dọn dẹp bàn ăn, vệ sinh cá nhân, và nhờ người giúp đỡ khi gặp khó khăn. Đây là một trong các kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết mà phụ huynh cần trau dồi cho con.

5. Kỹ năng giao tiếp ứng xử

Trẻ trong giai đoạn mầm non chưa có nhiều nhận thức sâu sắc về các sự kiện, hoạt động diễn ra xung quanh. Do đó, trẻ thường có thói quen bắt chước, học theo các lời nói, hành động của mọi người. Vì thế, trẻ cũng dễ học theo các thói hư, tật xấu nếu phụ huynh không ngăn chặn kịp thời. Để tránh tình trạng này xảy ra, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho bé, bắt đầu từ những việc cơ bản như chào hỏi lễ phép, nhường nhịn và không chen lấn. Các thói quen đơn giản này sẽ giúp bé tạo được lối sống tốt đẹp về sau.

6. Kỹ năng bơi lội – kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Bơi lội là một trong các kỹ năng sống cho trẻ mầm non được các bố mẹ quan tâm khi nuôi dạy con. Kỹ năng này không những hỗ trợ phát triển thể chất mà còn giúp tăng khả năng sinh tồn cho bé. Đồng thời, khi tiếp xúc với bộ môn bơi lội, bé sẽ có cơ hội làm quen với môi trường mới, tạo sự thích thú, tăng khả năng sáng tạo trong học tập. Vì thế, các bố mẹ hãy dành thời gian để đưa con đi bơi mỗi tuần nhé.

7. Tự sơ cứu vết thương

Khi trẻ bị thương, có thể vì quá lo lắng và hoảng sợ mà bạn xuýt xoa quá mức. Những hành động này là dễ hiểu, nhưng điều trẻ cần hơn chính là cách làm thế nào để xử lý tình huống này tốt nhất.

Nếu được rèn luyện, bé sẽ biết giữ thái độ bình tĩnh dù thấy máu, bị đau và biết cách tự sơ cứu vết thương một cách tốt nhất. Do đó, bạn nên ưu tiên dạy cho trẻ những cách sơ cứu cần thiết. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ như thế này sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi họ gặp nạn.

8. Kỹ năng trồng cây và chăm sóc động vật

Một kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết khác chính là trồng cây và chăm sóc động vật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc biết yêu thương động vật và thiên nhiên sẽ khiến cho tâm hồn và tính cách của bé trở nên tươi đẹp hơn. Từ đó góp phần giúp trẻ hình thành những cảm xúc tích cực, khả năng tư duy và tấm lòng biết quan tâm đến mọi việc xung quanh.

9. Kỹ năng tự mua đồ ở cửa hàng, siêu thị

Đây là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn nên đưa vào danh sách những kỹ năng của bé.

Bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm tiền để sử dụng trong tương lai. Bạn có thể dạy con về giá trị của đồng tiền bằng cách, trả công cho trẻ khi trẻ làm các việc như giặt giũ, rửa chén bát, dọn phòng tắm…

Từ khoản tiền công mà trẻ nhận được, bạn hướng dẫn trẻ cách tính số tiền mà trẻ có thể chi tiêu, số tiền mà trẻ cần phải tiết kiệm mỗi ngày, số tiền mà trẻ nên để riêng ra nhằm giúp đỡ các bạn khó khăn.

Ngoài ra, con bạn cần biết cách tự đi mua đồ ở của hàng tạp hóa gần nhà hay siêu thị. Đầu tiên, bạn hãy tập cho trẻ biết lên kế hoạch mua sắm bằng cách cùng trẻ lên danh sách những món đồ cần mua. Sau đó, bạn đưa con vào siêu thị và giao cho bé nhiệm vụ tự tìm mua những món đồ trong danh sách ấy.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa tiền, giỏ và danh sách gồm khoảng 5 – 6 món đồ cần mua để trẻ tự đi chọn lựa, thanh toán tiền mua hàng. Nếu bé còn khá nhỏ, bạn có thể đưa con mẩu giấy ghi vài món đồ và tiền để bé đi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà.

Những việc làm trên sẽ giúp bé làm quen dần với những kỹ năng sống hữu ích này.

Một số lưu ý khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non 3-5 tuổi

Ngoài những thông tin đã được đề cập phía trên, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi cũng đòi hỏi sự quan tâm của phụ huynh đối với đặc điểm, tính cách và tâm sinh lý của con. Việc này giúp xác định phương pháp giảng dạy và hỗ trợ phù hợp nhất để phát triển tối đa năng lực và phẩm chất tích cực trong từng đứa trẻ.

Việc giáo dục và hướng dẫn cho con những kỹ năng sống cần thiết là một phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho trẻ. Dưới đây là một số lưu ý cho phụ huynh khi dạy kỹ năng sống cho các con:

  1. Hiểu rõ nhu cầu và phát triển của con: Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập, với nhu cầu và tiềm năng riêng. Hãy quan sát và hiểu rõ những đặc điểm, sở thích và mức độ phát triển của con để có kế hoạch giáo dục phù hợp.
  2. Hãy làm gương cho các con: Làm mẫu cho con bằng cách hành động là một cách hiệu quả để truyền đạt những giá trị và kỹ năng sống. Hãy cho con thấy cách bạn giải quyết vấn đề, quản lý thời gian và tương tác xã hội.
  3. Thực hành qua các tình huống thực tế: Hãy tạo cơ hội cho con thực hành những kỹ năng mà các con đang học thông qua các tình huống thực tế. Điều này giúp củng cố kiến thức và làm cho quá trình học trở nên hữu ích và linh hoạt.
  4. Khuyến khích sự độc lập và sự chủ động: Cha mẹ dạy cho con cách đưa ra quyết định, quản lý công việc và tự chủ trong học tập và cuộc sống hàng ngày. Sự độc lập giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý bản thân, là nền tảng để trẻ tự tin và ý thức được trách nhiệm của bản mỗi khi đưa ra sự lựa chọn. 
  5. Thấu hiểu và tôn trọng cá nhân tính của con: Phụ huynh nên thấu hiểu và tôn trọng những đặc điểm riêng của con, không áp đặt quá mức những mong đợi. Thay vào đó, cha mẹ nên chủ động tìm phương pháp giáo dục phù hợp với cá nhân tính của từng đứa trẻ.
  6. Tạo không gian để trẻ được thảo luận và lắng nghe: Cha mẹ có thể chủ động trò chuyện về những chủ đề gần gũi với trẻ như một bộ phim hoạt hình, môn học yêu thích, cuốn sách yêu thích của con… Hãy lắng nghe những chia sẻ và tâm tư của con, dẫn dắt con bằng những câu hỏi để các con được thoải mái nêu quan điểm và ý tưởng. 
  7. Hỗ trợ và khích lệ: Hãy luôn là nguồn động viên, hỗ trợ và khích lệ con trong quá trình học tập và phát triển. Phụ huynh đừng quên khen ngợi và dành phần thưởng cho trẻ mỗi khi chúng làm tốt.

Leave your thought